Bài tham luận hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch”

[lụa vạn phúc] 

I. Mở đầu

Hiện nay mô hình du lịch làng nghề đang trở thành một hướng đi mới trong quá trình phát triển của du lịch Việt Nam. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm trên trục giao thông, cả đường bộ lẫn đường sông, đặc điểm này được hình thành từ xưa, giúp các làng nghề có thể dễ dàng luân chuyển hàng đi các nơi tiêu thụ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour, tuyến du lịch.  Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích. Du lịch làng nghề, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình mà còn được tham quan nơi sản xuất, thậm chí có thể cùng tham gia làm sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề. Bên cạnh những thuận lợi thì các làng nghề nói chung và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nói riêng vẫn tồn tại khá nhiều khó khăn để có thể phát triển du lịch làng nghề ổn định và bền vững lâu dài.

 

II. Thuận lợi

Được mệnh danh là “đất trăm nghề”, kể từ khi mở rộng về phía Tây, Hà Nội có hàng trăm làng nghề truyền thống. Trong đó, gần 1/4 là những làng nghề lâu đời trên 100 năm tuổi với đậm đặc các giá trị văn hoá - lịch sử. Đó là một nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hơn nữa lại có thể khai thác sử dụng ở hai hình thức: du lịch thương mại và du lịch nhân văn. Cả hai hình thức này đều thu hút khách ngoại địa - đặc biệt là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc.

 
III. Thực trạng làng lụa Vạn Phúc đối với việc phát triển du lịch

1.      Sản xuất giảm sút do thiếu nguyên liệu

Diện tích trồng dâu ngày càng bị thu hẹp do những năm tơ rớt giá, người dân trốc gốc trồng những loại cây khác.

Chất lượng trứng tằm thấp cũng là một vấn đề khiến nguyên liệu dệt lụa suy giảm.

 

2.      Thiếu người phát triển sản phẩm, đặc biệt là những người giỏi, có tâm huyết

Làng nghề lụa Vạn Phúc ngày càng gặp khó khăn.

Khi còn hoạt động mạnh và sôi nổi nhất, cả làng có tới hơn 1000 máy dệt. Khi đi vào làng, âm thanh những khung cửi, tiếng thoi đưa rộn ràng. Nhiều khi, cả ngày lẫn đêm đều không dứt tiếng dệt lụa. Thế nhưng hiện tại, số máy dệt không quá 300 máy đang hoạt động. Một phần ba trong đó là các máy dệt lụa thường. Tính ra thì không quá 200 hộ còn dệt lụa. Tình trạng đô thị hoá diễn ra nhanh

Quận Hà Đông nằm ở cửa ngõ phía tây nam, cách trung tâm Thủ đô 11 km, với diện tích gần 5.000 ha. Các dự án đầu tư ồ ạt đổ về quận, nhiều công trình được xây dựng, mạng lưới giao thông xuyên suốt…đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận. Làng Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông, nằm ngay sát con sông Nhuệ, vốn là trung tâm đô thị hoá của quận. Làng lụa Vạn Phúc vốn nổi danh, giờ đã như đô thị với những khu phố bán hàng sầm uất. Nhà cửa mọc lên san sát, các tiểu thương buôn bán tập trung ở con đường tiến vào làng. Dù vẫn còn giữ được nét cổ xưa, như đình làng, ao làng, nhưng cả làng đã bị bao bọc bởi những toà nhà cao tầng, giữa những công trình hiện đại.

Trong các hộ dệt lụa từ xưa, một số giờ chuyển sang làm những công việc khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với dệt lụa truyền thống. Họ buôn bán, kinh doanh quán xá, kinh doanh các mặt hàng đời sống. Đất đai dùng cho dệt lụa ngày càng thu hẹp. Thiếu người dệt lụa, thiếu đất để phát triển, khiến làng lụa đang chơi vơi giữa dòng đô thị hoá đang ập vào làng ngày càng lớn.

 

IV. Tiềm năng phát triển

1.      Lụa vẫn được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng, địa phương

Khi xưa, lụa Hà Đông được vua chúa triều Nguyễn chọn làm sắc phục. Lụa Hà Đông khi xưa đã từng được triển lãm tại Marseilles (1928), Paris (1931-1938), Jakarta (1931-1941). Câu ca dao xưa còn lưu lại trong dân gian:    

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng

Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên

Nhà thơ Nguyên Sa, khi viết lên những câu thơ khiến cho ta xúc động, và tinh khôi khi nhớ về những cô gái khoác trên mình áo lụa Hà Đông:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Có lẽ khi nhắc đến lụa Việt Nam, thì không ai không biết lụa Hà Đông. Lụa Hà Đông đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người từ những câu ca dao, từ những câu thơ, bài hát. Áo dài may bằng lụa, mỏng nhưng vẫn kín đáo mà e ấp, gợi cảm, vẫn thể hiện hết được những đường cong tuyệt mỹ mà không kiểu cách, phô trương. Hay những hình ảnh các nhóm nữ sinh ríu rít trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các sân trường trong buổi sớm nắng mai - những cánh bướm trắng tung bay giữa đời thường.

Hiện tại, có rất nhiều người dành tình cảm đặc biệt đến lụa Hà Đông. Đối với họ, sở hữu một bộ áo lụa, là cả một sự thiêng liêng. Nhiều du khách nước ngoài, khi nhắc đến lụa Hà Đông cũng dành một tình cảm đặc biệt. Có thể họ chỉ nghe bạn bè giới thiệu, chỉ được đọc qua sách vở báo chí, nhưng họ vẫn muốn tận mắt được nhìn thấy một tấm lụa Hà Đông. Khi họ đến Việt Nam, họ đều phải đến mua cho bằng được tấm lụa Hà Đông về làm quà.

 

2.      Tiềm năng du lịch lớn

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã có cả nghìn năm. Trong quá khứ, trong sách báo và trong những câu ca dao, thì tên lụa Vạn Phúc đã có một sức hút đặc biệt. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. Nhiều địa điểm mới cũng được tôn tạo lại, để chào đón kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.

Lụa Vạn Phúc có nền văn hoá lâu đời, con người ở đó thật thà hiền lành, dễ mến. Các nếp sống và văn hoá vẫn còn lưu lại chút hình ảnh cổ xưa.

Do nằm cách trung tâm Hà Nội không xa, lại nằm trên trục đường chính cạnh quốc lộ 6A, và nằm trên đường đi một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Hà Nội như Chùa Thầy, Chùa Hương, Đường Lâm(Ba Vì)…nên làng lụa Vạn Phúc rất thuận lợi khi tạo các tour du lịch dài ngày cũng như ngắn ngày.

Làng có chùa Tiên Linh, tên Nôm là chùa Trắng hay chùa Bụt Mọc. Trong làng Vạn Phúc cũng có một miếu thành làng, thờ bà Lã Thị Nương, tổ sư của nghề dệt lụa.

 

V. Giải pháp phát triển du lịch làng nghề

1.      Tạo nguyên liệu để phát triển lụa

Quá trình đô thị hoá đã thu hẹp diện tích đất trồng dâu nuôi tằm. Quá trình  trồng các loại cây phụ cận khác, khiến lượng thuốc hoá học trong đất trồng tăng cao, vì thế nên đất trồng dâu không còn tốt như trước nữa. Một mặt khác, dịch bệnh cũng đã khiến năng suất trồng dâu nuôi tằm không còn cao.

Một mặt, vì chưa có một qui chế hoặc quản lý sát sao, nên giá kén bấp bênh, lúc tăng lúc lại giảm khiến việc trồng dâu nuôi tằm không được bền vững. Thậm chí việc nhập các loại giống tằm từ Trung Quốc cũng không ổn định. Các loại trứng tằm gần như phải nhập ngoại, chất lượng thì cũng khó mà cạnh tranh được với các loại trứng nguyên gốc của Trung Quốc.

Điều kiện đầu tiên để giữ gìn vịêc phát triển làng nghề, là phải tạo được nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Hiện nay nước ta cũng có một số nơi cung cấp tơ tằm như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hà Nam..nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, việc xử lý nguyên liệu còn rất thủ công do chưa hình thành được các cơ sở, nhà máy chế biến và xử lý nguyên liệu. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp đại đa số là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Lực lượng lao động phần lớn được đào tạo theo phương pháp truyền nghề, sản xuất hộ gia đình, chưa có trường lớp đào tạo chính quy.

Để tạo nguồn nguyên liệu cho việc phát triển làng nghề dệt lụa, thì, thứ nhất phải tạo  được vùng trồng dâu nuôi tằm. Hỗ trợ người dân trong việc phát triển cây giống, kĩ thuật trồng dâu và nuôi tằm. Đồng thời quản lý được giá đầu ra. Thứ hai, tạo phát triển các nhà máy chế biến xử lý nguyên liệu. Vừa tăng năng suất kén, vừa tăng chất lượng của kén tơ tằm. Thứ ba, đào tạo người dân có kiến thức về xử lý nguyên liệu.

 

2.      Phát triển những người có tay nghề

Con người là thứ quan trọng nhất để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống. Vì thế nâng cao những người có tay nghề về dệt lụa là một vấn đề then chốt của làng nghề.

Nhà nước và địa phương phải có cơ chế khuyến khích người dân dệt lụa. Đồng thời hỗ trợ kinh phí và mở lớp học sản xuất lụa. Hiện nay không phải tất cả người dân quay lưng lại với làng nghề truyền thống, mà bởi vì họ đang gặp khó khăn trong việc dệt lụa. Một khi có cơ chế tốt, thì nhiều người sẽ quay lại dệt lụa, và số người có tay nghề cũng sẽ tăng lên.

Đồng thời đó, nhà nước và địa phương cũng phải hỗ trợ việc giúp người dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài nhằm tăng thu nhập giúp người dân làng nghề toàn tâm với nghề.

 

3.      Quảng bá lụa Vạn Phúc không chỉ trong nước mà cả thế giới

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trên cả nước, báo chí, đài, trên sách vở. Nhưng hiện nay đang bị mai một đi rất nhiều. Ngay cả làng lụa Vạn Phúc hiện tại cũng đang mất dần uy tín do sự pha trộn của nhiều loại lụa chất lượng không tốt.

Cần phải có cơ chế để quảng bá lại uy tín của lụa Vạn Phúc. Đặc biệt, khâu quảng bá các sản phẩm chính gốc có chất lượng của làng lụa đến được tay người tiêu dùng. Hiện tại, cơ sở địa phương, đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở giới thiệu hàng Vạn Phúc chính gốc. Các cửa hàng, hộ kinh doanh khi đăng kí tham gia chợ thương nghiệp này, phải đảm bảo nguồn gốc các loại lụa là lụa Vạn Phúc chính gốc. Khi có được nơi đảm bảo chất lượng, thì người tiêu dùng sẽ tin tưởng, và sẽ tăng lượng khách mua sắm về Vạn Phúc.

Ngoài cách quảng bá truyền thống, thì quảng bá trên internet là cách nhanh nhất để đưa lụa Vạn Phúc đến với bạn bè quốc tế sâu rộng đơn giả và hiệu quả nhất. Đang trong thời đại bùng nổ thông tin, số người sử dụng Internet đang ngày càng gia tăng, không chỉ thế giới mà cả Việt Nam. Quảng cáo trên Internet là một hướng đi đúng đắn, tuy  nhiên hiện nay chưa được chú trọng lắm.

Lụa Vạn Phúc đẹp, chất lượng, nhưng không phải người nào cũng có thể phân biệt được lụa Vạn Phúc với các loại lụa khác. Cần tạo ra một cách để nhận diện thương hiệu giúp người dân có thể mua được đúng các sản phẩm chất lượng. Cần ứng dụng rộng rãi thương hiệu lụa Hà Đông trên tất cả các sản phẩm do địa phương sản xuất. Một thương hiệu tốt, và một logo để phân biệt sẽ khiến lụa Vạn Phúc dễ dàng có chân đứng trên thị trường hơn.

 

4.      Mở rộng làng nghề thành nơi du lịch

Phát triển làng nghề thành nơi du lịch là cách để phát triển làng nghề và quảng bá sản bá sản phẩm tốt nhất.

Theo các chuyên gia, để tổ chức du lịch, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, tổ chức lại các làng nghề, đa dạng hóa ngành nghề, nhưng phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Làng lụa Vạn Phúc cũng nên đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và du lịch cần được triển khai mạnh mẽ. Trong mỗi chương trình tham quan, cần mời những người cao tuổi, các nghệ nhân tham gia hướng dẫn, thuyết minh cho du khách về nguồn gốc ngành nghề, các tổ sư, tổ nghề của làng, các công đoạn và bí quyết sản xuất gắn với các sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Ngoài ra cần xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường và môi trường du lịch.

Làng nghề lụa Vạn Phúc đang bắt đầu trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, kỹ năng của những người dân làng nghề đối với loại hình du lịch này còn hạn chế. Các cơ quan chức năng nên có những lớp đào tạo để phát triển kĩ năng về hướng dẫn viên du lịch.

Các công ty du lịch cần phối hợp với làng nghề, tạo ra các tour du lịch sinh thái làng nghề- là một mô hình du lịch rất hấp dẫn với du khách cũng như phù hợp với sự phát triển của làng nghề. Đồng thời xây dựng một đội ngũ chuyên môn về du lịch là người bản địa để giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người trong làng.

Có thể xây dựng thêm, tu bổ các công trình đã có, đặc biệt là các di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo để tạo thành các địa điểm du khách có thể tới thăm quan trong quá trình du lịch đến làng nghề nhằm tạo sự hấp dẫn cho du lịch của làng nghề. Tạo ra một văn hoá làng nghề, người dân trong làng nghề phải lịch sự, cư xử có văn hoá với khách du lịch. Bài trừ tận gốc các tệ nạn xã hội, nếu có…

Hỗ trợ các hộ dân xây dựng các điểm giới thiệu về làng nghề, về qui trình sản xuất, cũng như đặc điểm của lụa Vạn Phúc.

 

5.      Hạn chế sự ảnh hưởng của đô thị hoá

Nếu không ngăn chặn tác động của sự đô thị hoá, thì có lẽ sẽ không còn tồn tại làng lụa Vạn Phúc. Nhiều nhà, nhiều gia đình ngày càng ít quan tâm đến cách phát triển làng nghề truyền thống, mà quay ra kinh doanh với các ngành khác.

Các cơ quan chức năng cần phối hợp để duy trì sự phát triển ổn định và lâu dài hoặc tìm ra một hướng đi mới trong quá trình phát triển của đất nước đối với làng lụa Vạn Phúc.

 

VI. Lời kết:

Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển của các làng nghề nói chung và làng dệt lụa Vạn Phúc nói riêng. Đặc biệt là việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Nhà nước cũng nên lập các cơ quan nghiên cứu chuyển về làng nghề và du lịch làng nghề để giúp cho các địa phương xây dựng và phát triển đúng hướng.

Nhà nước cũng nên có một chính sách hỗ trợ cho việc quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống ra nước ngoài.

 

 

Tổng hợp bởi: luavanphuc.com 
 luatotam.com 

 

 
English French German Italian Portuguese Russian Spanish
Tan A TTC JSC

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay83
mod_vvisit_counterHôm qua86
mod_vvisit_counterTuần này430
mod_vvisit_counterTuần trước434
mod_vvisit_counterTháng này2205
mod_vvisit_counterTháng trước1968
mod_vvisit_counterTất cả616663

Thăm dò ý kiến

Bạn sẽ chọn mua lụa thế nào?