Lụa Hà Đông - Bao giờ cho đến ngày xưa

 [lụa vạn phúc]Lụa Vạn Phúc nổi tiếng bao đời nay bởi vẻ đẹp và chất liệu đặc trưng giờ lâm cảnh “ngắc ngoải”, lụa chính thống bị bóp nghẹt bởi hàng trôi nổi khắp nơi tràn về, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu tơ cũng không ổn định, giá cả bấp bênh khiến làng lụa Vạn Phúc lâm cảnh đìu hiu. Hơn 30% người lao động gắn bó với làng nghề phải rời xa nghề cha ông để lại để tìm cho mình cơ hội mới.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, Hiệp hội được thành lập hơn 10 năm, đến nay có hơn 400 hội viên tham gia gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Mặc dù những năm gần đây lượng khách du lịch vẫn nhiều, bình quân mỗi năm Vạn Phúc đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, mua sắm. Vạn Phúc đã có cả một con phố tơ lụa với số người tham gia kinh doanh ngày càng nhiều, tổng số gian hàng lên tới 150 gian. Tuy nhiên, một nghịch lý đã và đang từng ngày diễn ra ở đây là lượng lụa do người dân làng nghề sản xuất tiêu thụ ngày một chậm lại.

Mập mờ đánh lận, nguy cơ mất thương hiệu

Năm 2011, tổng các sản phẩm lụa trong làng được tiêu thụ khoảng 2 triệu mét, chỉ bằng 1/3 lượng tiêu thụ so với 3 năm trước. Lý giải điều này ông Sinh cho biết, tuy ở trung tâm Hà Nội như phố Hàng Gai, Hàng Trống nhiều đại lý lụa Vạn Phúc được mở ra thuận tiện rất nhiều cho việc mua sắm của khách đi tour nhưng với sự nổi tiếng của làng nghề, nhiều vị khách cầu kỳ sẵn sàng thuê taxi tốn hàng trăm nghìn, lặn lội vào làng để tìm mua tận gốc, đôi khi chỉ là chiếc khăn hay cái ví. Họ vào để được tận mắt chiêm ngưỡng quy trình dệt ra những vuông lụa đẹp và để mua được tận gốc sản phẩm.

Nhưng những năm gần đây, Vạn Phúc ngập tràn hàng trôi nổi từ khắp nơi đổ về, trong đó đặc biệt hàng Trung Quốc chiếm đa phần. Với đặc điểm màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ hơn cộng với sự nhá nhem “đồng thau lẫn lộn” trong cách bán hàng nên hàng Trung Quốc thường được người bán ưu tiên mời chào, người mua ưu tiên chọn lựa và nghiễm nhiên được tiêu thụ mạnh hơn nhiều so với hàng chính thống. Thương hiệu lụa Vạn Phúc vì thế mà đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Thực ra trong quá trình mua bán, có những người vì tham rẻ nên lụa trôi nổi có “đất sống”, cũng có những người muốn tìm mua những vuông lụa thực sự nhưng giữa muôn vàn màu sắc sặc sỡ, độ nặng nhẹ, dày mỏng mà không thể phân biệt được hàng chính thống hay hàng trôi nổi.

Theo ông Sinh, để phân biệt được giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm trôi nổi không đơn giản vì cùng một loại tơ, máy dệt tương tự nhau, hàng nhái được sản xuất rất tinh vi, ngay cả người trong nghề cũng khó lòng nhận ra; cái khác ở đây chủ yếu là họa tiết hoa văn, người thợ chuyên nghiệp thường nhìn vào họa tiết hoa văn và phải có kính để soi mật độ phân sợi.

Hiện nay lụa Vạn Phúc thông thường chia làm hai loại chính, loại cao cấp là sa tanh được làm từ 100% sợi tơ nguyên chất, có thể chập đôi, hoặc chập ba rồi se lấy sợi để dệt. Hoặc loại được pha với tỉ lệ 30%, 50%, 70% giữa tơ tự nhiên với sợi tổng hợp như cotton hay tơ nhân tạo (được làm từ sợi visco, polyester). Cách đơn giản để khách hàng có thể phân biệt được sản phẩm trước tiên là cảm giác khi cầm hai tấm lụa. Lụa Hà Đông khi cầm sẽ có cảm giác nhẹ hơn vì chất liệu tơ tằm bao giờ cũng nhẹ hơn chất liệu lụa khác. Tiếp đến khách hàng có thể thử bằng cách đốt sợi lụa, nếu lụa 100% nguyên chất khi cháy sẽ có mùi khét như khi tóc mình cháy. Lụa pha sợi tổng hợp như cottong thì cháy không có mùi khét. Nhựa pha sợi visco bao giờ cũng để lại tàn cứng khi cháy.

Trước sự nhập nhèm, gây lẫn lộn  giữa hàng trôi nổi với hàng chính thống Hiệp hội đã có hướng vận động người làng Vạn Phúc dệt thương hiệu, địa chỉ sản xuất vào biên lụa. Tuy nhiên, theo ông Sinh có một điểm bất cập là hiện nay đa phần người sản xuất ra vải chỉ làm hàng mộc thôi, các hộ kinh doanh lấy hàng đó đi chuội nhuộm làm ảnh hưởng đến chất lượng của lụa khiến nhiều hộ sợ ảnh hưởng đến thương hiệu nên không mặn mà với việc này, chỉ có hộ nào sản xuất từ đầu đến cuối đi giao cho các cửa hàng mới in tên thương hiệu vào đó. Mặt khác thương hiệu chỉ được biết đến khi người ta mua vải về may, với sản phẩm bán sẵn như khăn, ví, quần áo, tên thương hiệu thường không nhìn thấy được nên đây chỉ được coi một giải pháp tạm thời.

Để xác định thương hiệu du lịch Vạn Phúc là du lịch làng nghề, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng trôi nổi, ông Sinh cho biết: chỉ có biện pháp tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh trung thực, có thông tin rõ ràng cho khách hàng, giới thiệu kỹ đâu là sản phẩm chính thống đâu là mặt hàng của nơi khác, có như vậy thương hiệu làng nghề mới được đảm bảo.

Nguyên liệu biến động

Hiện nay, nước ta vẫn có nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm như ở Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình…tuy nhiên nguồn cung cho ngành lụa luôn không ổn định, chất lượng sản phẩm không đồng đều, có thời điểm giống kén không đảm bảo, cho ra tơ chất lượng xấu, sản lượng kém. Giá nguyên liệu những năm gần đây nhiều biến động càng gây sức ép lớn với sản phẩm lụa Vạn Phúc.

Tùy theo chất lượng, mẫu mã mà lụa Hà Đông được bán với nhiều mức giá khác nhau: Loại lụa sa tanh 100% tơ tằm, độ phân sợi dày 80 sợi/cm, dày và bóng có giá dao động từ 250.000 – 280.000 đồng/m, loại  mỏng hơn một chút  nhưng vẫn là 100% tơ tằm, lụa có giá khoảng 170.000 – 200.000 đồng/m. Loại lụa pha 50 – 70% sợi cotton, tổng hợp, độ phân sợi là 40 sợi/cm có giá từ 80.000 – 100.000 đồng.

Chị Phạm Mai Hương – cơ sở lụa Triệu Duy Khánh, người kế nghiệp của dòng họ có 5 đời làm lụa cho biết, trong làng mỗi nhà dệt chuyên một vài loại hoa văn và họ thường lấy hàng trao đổi lẫn nhau. Thông thường hoa văn trên lụa Vạn Phúc thường là các loại hoa cúc cũ, cúc mới, hoa nhỏ, triện thọ, hồng thọ, tre trúc, song hỷ đèn lồng…, mẫu trúc mai bây giờ ít người dệt vì rất khó bán. Mỗi mẫu hoa, người ta sử dụng một mẫu bìa cotton đục lỗ riêng, số lỗ trên bìa nhiều hay ít tùy theo độ cầu kỳ của hoa. Cơ sở của chị chủ yếu sản xuất các loại lụa in hoa một màu. Nét độc đáo ở đây là lụa Vạn Phúc có hai mặt, tùy theo sở thích khách hàng có thể may theo mặt vân dọc, hoa chìm hay vân ngang, hoa nổi  của tấm lụa. Các cơ sở sản xuất giờ thường dệt tơ đơn nghĩa là để nguyên sợi tơ và tơ đôi được se từ hai sợ tơ.

Chị Hương chia sẻ, kinh doanh giờ khó khăn lắm, nhiều người thích hàng rẻ nên toàn chọn mua lụa Trung Quốc, lụa Vạn Phúc bán chậm lắm. Thỉnh thoảng gặp một vài khách đặt hàng chất lượng cao nhưng số lượng ít, hoa văn cầu kỳ, thường là loại tơ 3, tơ 4, hàm lượng lao động thủ công nhiều, một ngày chỉ có thể dệt khoảng 2 – 3m, trong khi đó cùng thời gian lụa thông thường có thể dệt được 8 – 9m. Mỗi mét lụa phải tốn đến 1,5 lạng tơ mà giá tơ tốt lại cao và biến động, khi ra thành phẩm rất đắt nên nhiều khi nhận xong vừa làm vừa lo lỗ vốn.

 

Ảnh LVP tham dự triển lãm lụa Asean. Làng nghề VP tham gia được những sự kiện như thế này bao lần trong một năm?

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Hồi tưởng lại thời kỳ hoàng kim của lụa Vạn Phúc, ông Sinh chia sẻ “Đó là quãng thời gian khoảng năm 2005 – 2006. Lúc đó tuyến phố lụa chỉ có vài hộ kinh doanh và chỉ có HTX là có gian hàng; còn một vài hộ gia đình, sản phẩm làm ra giao buôn ở một hai cửa hàng trên phố hàng Gai (Hà Nội), ở Sài Gòn lụa Vạn Phúc chỉ có duy nhất trên phố Đồng Khởi, ít điểm bán nhưng toàn là hàng thật chứ không bày bán tràn lan, nhập nhoạng như bây giờ. Cao điểm nhất tổng số lụa trong làng xuất bán lên đến 12 triệu mét, bán chạy hàng gấp 5 – 6 lần bây giờ, rồi lại trầm đi một vài năm đến lúc lại phát triển mạnh, chứ như hiện tại thì chẳng có gì là khởi sắc.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mọi chi phí cá nhân bị cắt giảm, hoạt động giao thương ở làng Vạn Phúc không tránh khỏi sự trầm lắng. Nay sức sản xuất trong làng giảm sút, chỉ bằng 30% sản lượng của những năm trước. 40% máy móc rơi vào tình trạng chờ việc, không hoạt động thường xuyên. Một vài hộ kinh doanh ế ẩm, không mấy mặn mà với nghề truyền thống đã chuyển sang làm nghề khác để kiếm kế sinh nhai; một số hộ con cái đến tuổi “dựng vợ gả chồng”, đất đai bị thu hẹp không đủ diện tích sản xuất nên cũng ngậm ngùi bỏ nghề; có hộ cha mẹ có tuổi không thể làm nghề, con cái lớn thì học hành, có bằng cấp nên theo nghề khác….

Lại nói về chuyện mẫu hoa văn, ở Vạn Phúc đang xảy ra tình trạng  rất bất cập, có những hộ nghĩ ra mẫu hoa văn rất đẹp nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng sản xuất quy mô lớn nên để xảy ra tình trạng, mẫu của mình vừa làm ra đã bị nhà khác “ăn cắp” sản xuất với số lượng lớn.

Về tình trạng đăng ký bản quyền ông Sinh nói: “Ở đây kinh doanh còn khó khăn nên chẳng ai nghĩ đến việc đăng ký bản quyền mẫu mã, các doanh nghiệp lớn mới có tiền làm việc đó chứ người dân lấy đâu ra, hơn nữa đó chỉ là hàng chợ đưa ra biết có bán chạy hay không chưa gì đã mất khoản “tiền bộn”, không mấy ai dám mạo hiểm”.

Ông Sinh cho biết thêm: Vạn Phúc giờ chỉ còn 2 cụ được phong nghệ nhân, một cụ ngoài 80 tuổi đã lẫn, cụ Nguyễn Hữu Chỉnh thì đã ngoài 70. Nguy cơ mai một nghề là có thật.

Cách đây một thế kỷ, nghề dệt lụa cũng đã từng lâm cảnh lao đao, cha ông đã từng bày tỏ nỗi niềm : “Ngậm ngùi lụa ế, tơ cao/rủ nhau đi gánh bùn ao đổ đồng”, giờ bối cảnh này lại một lần nữa bủa vây con người làng lụa Vạn Phúc. Đấy là xưa kia khi ruộng nhiều, những lúc cơ hàn người dân làng lụa còn có cách kiếm sống bằng việc đi gánh bùn thuê cho nông dân. Giờ đây, hầu hết ruộng đất đã nhường chỗ cho đô thị, nhà máy; nghề nông đâu còn chỗ cho người Vạn Phúc. 

Bao giờ cho đến ngày xưa, câu hỏi đó dành cho chính người dân làng Vạn Phúc, liệu tâm huyết, nghị lực, sự tìm tòi có đủ để người Vạn Phúc vực dậy làng nghề để lụa Vạn Phúc lại kiêu hãnh trở về?

Tổng hợp bởi:luavanphuc.com
 luatotam.com

 

 
English French German Italian Portuguese Russian Spanish
Tan A TTC JSC

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay3
mod_vvisit_counterHôm qua110
mod_vvisit_counterTuần này3
mod_vvisit_counterTuần trước803
mod_vvisit_counterTháng này2570
mod_vvisit_counterTháng trước3988
mod_vvisit_counterTất cả641919

Thăm dò ý kiến

Bạn sẽ chọn mua lụa thế nào?