Nói tới tơ lụa người ta nghĩ ngay đến tơ lụa Hà Đông mịn màng với đủ màu sắc: tím, cá vàng, hoa lý, hoa hồng, xanh lư,vàng xanh... Màu sắc rực rỡ hay trang nhã, kín đáo, bình dị tạo nên tính hấp dẫn đến kỳ lạ. Lụa Hà Đông như có sức hút ma lực đối với con người. Tơ lụa Vạn Phúc đã đi vào tiềm thức người Việt qua câu ca dao:
“The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”
Làng lụa Hà Đông hay chính là Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn.
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh chiếc giếng làng với những bông hoa sen, cạnh cây đa cổ thụ, buổi chiều vẫn họp chợ trước đình. Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại, xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại.
Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã truyền nghề lại cho dân làng và sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.
Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước.
Vạn Phúc hiện có 785 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 27 tỷ đồng). Hiện nay, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Nhờ lụa, làng Vạn Phúc giờ khang trang, đẹp như thành phố. Người dân nơi đây vẫn mơ tái hiện làng lụa thuần chất xưa.
Làng nghề Vạn Phúc đã có gần 1.000 năm tuổi. Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng: lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc…
Hiện nay Vạn Phúc còn 2 vị cao niên là cụ Nguyễn Văn Mão và Lê Văn Bằng được ghi danh trong “Bắc Kỳ tiểu công nghệ danh hiệu địa chí”. Cụ Mão đã sản xuất được số mẫu lụa quý hiếm bằng nguyên liệu tơ tằm 100% như: Lụa vân Quế hồng diệp, lụa vân Triện thọ, lụa vân Băng hoa, lụa vân Long phượng mây bay, lụa vân Song hạc, lụa vân Mai thọ, lụa sa Đuôi công to, lụa vân Lưỡng long song phượng, lụa vân Lưỡng long song thọ... Tất cả gồm 21 mẫu lụa quý hiếm. Lụa được phục chế không chỉ quý bởi cách dệt thủ công tạo ra mặt hàng tinh sảo, màu sắc êm dịu “mịn mặt, mát tay” mà các hoa văn mang hồn Việt rất đậm nét. Ngày nay không còn được nhiều người biết đến hoặc tìm cách ứng dụng nó vào cuộc sống.
Làng nghề 1.000 tuổi
Hiếm có làng nghề nào có tuổi đời dài như Vạn Phúc. Theo cụ Cụ Đỗ Văn Mại, nghệ nhân cao tuổi ở làng, tương truyền bà tổ nghề lụa là người họ Lã quê Hàng Châu (Trung Quốc). Bà theo chồng chinh chiến Bắc Nam, rồi neo lại làng này. Nỗi nhớ quê hương da diết của bà trút hết vào nghề tầm tang, canh cửi nơi dòng Nhuệ Giang. Qua thời gian, nghề dệt trở thành nghề “truyền thống” Vạn Phúc.
Ban đầu lụa Vạn Phúc sản xuất chỉ để phục tầng lớp trung lưu các thời đại phong kiến. Đến cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn khuyến khích dàng hàng nội, các nghệ nhân làng Vạn Phúc nhanh chóng sưu tầm, học hỏi, cải tiến đế “bình dân hóa” các mặt hàng gấm, vóc. Những năm 1931, 1936, thợ dệt Vạn Phúc hai lần vinh dự mang sản phẩm sang dự “đấu xảo” ở Marseille và Paris (Pháp). Ngay từ thời điểm đó, lụa Vạn Phúc đã được đánh giá cao trên thế giới.
Từ đó đến nay, gần 1.000 năm lụa Vạn Phúc tiếp tục nổi tiếng với những mặt hàng chính, đặc biệt là lụa hàng vân. Giải thích cái tên này, cụ Mại hồ hởi nói: “Vân có nghĩa là mây. Lụa vân là thứ lụa nhìn lên bề mặt thấy ẩn hiện những đám mây nho nhỏ. Đây là một kỹ thuật dệt tinh tế chỉ Vạn Phúc mới dệt được”.
Cùng với mặt hàng lụa vân, Vạn Phúc còn nổi tiếng với satin sang trọng. Những tấm vải loại này thường rất mềm và có ánh trong như thuỷ tinh, được các bà, các cô ưa thích. Chẳng thế người ta vẫn thường kháo nhau "dùng lụa Vạn Phúc người già trẻ lại, người xấu đẹp lên"…
Người đến làng lụa không chỉ mua lụa, mà còn muốn tìm lại trong đó khung cảnh của một làng nghề canh cửi nghìn năm. Chính vì vậy, thống kê từ Hội làng nghề, sau hai năm xây dựng điểm du lịch và xúc tiến thương mại, mỗi tháng làng Vạn Phúc thu hút từ 3.000 đến 5.000 khách tham quan, giao dịch.
Tuy nhiên, khi thiết bị, công nghệ và máy móc được đưa vào thay thế canh cửi thủ công, việc sấy, tẩm, hấp, phơi lụa được làm hoàn toàn bằng máy, đồng nghĩa với việc giảm sức hấp dẫn của Vạn Phúc. Đó là chưa kể một số chủ cửa hàng không ngần ngại tuồn và trộn hàng giả lụa Trung Quốc như phi, bóng... làm ảnh hưởng tới uy tín lụa Vạn Phúc.
Thời gian qua, Hiệp hội làng nghề tại Vạn Phúc kêu gọi người dân gắn thương hiệu từng nhà sản xuất “lành mạnh hóa” thương mại. Hiệp hội cũng dự định xây dựng hệ thống cửa hàng chỉ bán sản phẩm do chính thợ dệt Vạn Phúc làm ra. Mặc dù vậy, không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức điều này, nên giấc mơ tái hiện làng lụa thuần chất người Vạn Phúc xưa vẫn còn xa.
Tổng hợp bởi: | luavanphuc.com |
luatotam.com |
< Lùi | Tiếp theo > |
---|