Hà Đông: Thơm thảo lụa mây rồng làm quà Đại lễ

 [lụa vạn phúc]

 Nằm ven bờ sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội chừng 10 km là làng Vạn Phúc vốn nổi tiếng với nghề dệt tơ lụa Hà Đông. Đây là “điểm đến” của các bà, các cô từ ngót chục năm nay. Bỏ sau lưng tiếng xe cộ ồn ào, đến Vạn Phúc nghe tiếng thoi đưa và “sà” vào hàng lụa tìm kiếm những bộ quần áo đẹp đã trở thành một thú vui với phái đẹp Hà Thành.

 Trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc cũng đang rộn ràng chuẩn bị tung ra những tuyệt phẩm là tinh hoa của lụa Hà Đông đã đi vào huyền thoại.

Dệt tiếp danh tiếng một vùng quê

 Đến làng nghề khách sẽ được nghe những âm thanh phát ra từ khung cửi, tiếng thoi đưa lách cách, lúc rộn ràng khi lại khoan thai, dìu dặt lẫn tiếng cành cạch của máy dệt cải tiến và công nghiệp.

Đến nay, nghề dệt ở Vạn Phúc chủ yếu dựa vào các khung dệt cơ khí hiện đại. Các khâu sấy, tẩm, hấp, phơi lụa được làm hoàn toàn bằng máy. Nhờ vậy, người thợ dệt bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn và vải dệt cũng nhanh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc cho biết, hiện nay, làng nghề tơ lụa có hơn 800 máy dệt và khoảng 785 hộ dân làm nghề. Mỗi năm, Vạn Phúc sản xuất trên hai triệu mét vải tương đương với gần 50 tỷ đồng. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều đã hình thành hai tuyến phố lụa là phố Cầu Am dọc bờ sông Nhuệ và tuyến phố giữa làng với gần 150 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm làng nghề.

Hiện nay, những tấm lụa của làng nghề này đã có mặt tại 14 nước trên thế giới.
Vạn Phúc nổi tiếng với lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc và satin sang trọng. Những tấm vải loại này thường rất mềm lại có ánh trong khiến cho người mặc nó trở nên trẻ trung hơn.

Những tấm vải lụa mịn màng có nhiều mẫu hoa văn với đủ màu sắc rực rỡ đến trang nhã đã tạo nên sức hút đặc biệt với khách hàng.

Nhắc đến lụa Hà Đông người ta cũng không quên nhắc đến đôi tay điêu luyện của những người thợ dệt, nghệ nhân làng nghề nơi đây. Đến nay, cả làng Vạn Phúc đã có ba người được nhận danh hiệu nghệ nhân, trong đó có hai người còn sống là cụ Nguyễn Hữu Chỉnh và cụ Lê Văn Bằng. Dù công việc vất vả nhưng những người thợ, người nghệ nhân đều cảm thấy vui và tự hào bởi công việc họ đang làm không chỉ đơn thuần là việc kiếm miếng cơm manh áo mà còn lưu giữ nét văn hóa của một vùng.

Lễ rước 1.000 người và lễ phẩm cho khách quí

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, Vạn Phúc đang chuẩn bị nhiều hoạt động để chào mừng Đại lễ. Tưng bừng nhất là có lễ rước thành hoàng làng cả 1.000 người tham gia với 10 làng nghề, mỗi làng có một trăm người. Ngoài ra, từ ngày 3 đến 8/10, làng lụa sẽ có buổi biểu diễn tay nghề và trưng bày các sản phẩm tại công viên Bách thảo, Hà Nội.

 Háo hức trước tin này, phóng viên đã tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, mới bước vào sân đã nghe được âm thanh của tiếng máy dệt vọng ra.

Ông Chỉnh đưa ra những mẫu lụa ông thiết kế vừa mới đoạt giải. Mẫu hoa ban của ông đã giành giải nhất của cuộc thi “Sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng tổ chức.

Mẫu long vân ông Chỉnh sáng tác trong năm nay cũng đã lọt vào chung khảo cuộc thi “Sáng tạo mẫu thủ công mỹ nghệ tiêu biểu 1000 năm Thăng Long-Hà Nội” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Long vân có đôi rồng gồm một con đực và một con cái. Ông Chỉnh lý giải, họa tiết này là thể hiện âm dương giao hòa dẫn đến sự phát triển và tồn tại vĩnh cửu. Bên cạnh đó có biểu tượng Khuê Văn Các đặt trong đài hoa sen cao quý. Trên nền lụa xanh có cài những vờn mây uyển chuyển xen vào chữ Thọ. Chữ Thọ để ứng với 1.000 năm Thăng Long và còn ứng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

 Nghệ nhân tâm sự, ông đã rất kỳ công cho mẫu thiết kế này bởi ông muốn bộc lộ hết tình yêu của mình với thủ đô ngàn năm văn hiến. Hình ảnh đôi rồng là kết quả của nhiều chuyến ông đi tìm hiểu, nghiên cứu các hình rồng của Việt Nam.

Cũng theo lời giới thiệu rất nhiệt tình của ông Chỉnh, chúng tôi tìm đến nhà cố nghệ nhân Nguyễn Văn Mão, người đã có mẫu thiết kế lụa vân đạt giải nhì trong cuộc thi “Sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” vừa qua.

 Tiếp chúng tôi trong căn nhà nghệ nhân là chị Nguyễn Thị Tâm, người con dâu trưởng của ông kể trong niềm xúc động: “Do tuổi già sức yếu, cha tôi đã tạ thế cách đây hơn một tháng."

Nhưng theo cuốn nhật ký nghệ nhân Nguyễn Văn Mão để lại thì ngay từ năm 2003, ông Mão đã trăn trở phải làm được một điều gì đó bằng chính bàn tay người dệt lụa để sau này báo cáo lên tổ tiên và làm quà chào đón 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ông Mão đã nhiều lần bàn bạc với con dâu về tâm nguyện của mình, làm sao thiết kế được một sản phẩm tơ lụa thật độc đáo mà không ai có thể làm nhái được. Đến năm 2009, dù rất yếu nhưng ông vẫn cố gắng thiết kế được mẫu lụa vân ngàn năm Thăng Long.

Đây là mẫu lụa mềm, mỏng, hoa văn chìm mang biểu tượng của Thăng Long 1.000 năm tuổi. Thật tiếc rằng, ông Mão đã không đợi được đến ngày nhận giải thưởng, và cũng không đợi được đến Đại lễ để tự mình dâng lên tổ tiên mẫu lụa vân ông từng dốc bao tâm huyết.

Dù vậy, tấm chân tình của người nghệ nhân quê lụa cũng được ghi nhận. Lụa vân của ông cùng 17 mẫu mỹ nghệ thủ công khác đã đoạt giải trong cuộc thi “Sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chọn làm quà tặng cho khách quý nhân dịp đại lễ.

Rời nhà ông Mão, trong lòng khách còn pha một chút bâng khuâng và ít nhiều lây cảm xúc rạo rực trong lời chị Tâm nói: “Cả làng tơ lụa chúng tôi đang rất háo hức chờ đợi Đại lễ.”/. 


 

Tổng hợp bởi: luavanphuc.com
 luatotam.com

 


 
English French German Italian Portuguese Russian Spanish
Tan A TTC JSC

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay21
mod_vvisit_counterHôm qua66
mod_vvisit_counterTuần này456
mod_vvisit_counterTuần trước544
mod_vvisit_counterTháng này1464
mod_vvisit_counterTháng trước2360
mod_vvisit_counterTất cả618282

Thăm dò ý kiến

Bạn sẽ chọn mua lụa thế nào?