Làm sống lại lụa Vạn Phúc

Biết nghề từ khi học “đồng ấu” (7 tuổi, lớp vỡ lòng),   gây dựng nên cả một cơ nghiệp lớn nhất nhì làng Vạn Phúc, nhưng kể từ   khi dựng lại nghề dệt lụa Vân, ông Mão “truyền” hẳn một cửa hàng, một cơ   sở sản xuất lụa vào loại lớn nhất làng Vạn Phúc (Hà Đông, tỉnh Hà Tây)   cho con cháu trông nom. Ông lui vào căn phòng chưa đến 10m2   bên cạnh, ngày ngày mải miết tìm cách phục chế các mẫu lụa cổ và truyền   dạy cho những người cùng nghề.

Hành trình đi tìm lụa cổ

Cuối năm 2005, khi tròn 70 tuổi, cầm giấy chứng nhận   “Nghệ nhân dân gian” do Hội Văn nghệ dân gian VN trao tặng, ông Mão rưng   rưng vì thấy trách nhiệm mình lớn lao quá: “Nghề lụa vạn phúc đang khôi   phục dần đấy, nhưng bọn trẻ lại chạy theo xu hướng thị trường mà quên   đi lụa cổ. Thợ lụa giỏi đâu còn được mấy người, cả làng giờ mỗi mình nhà   tôi dệt lụa Vân. Chỉ sợ cái còn thì ít, mà mất đi lại nhiều”.

Ông nhớ lại một buổi tối mùa đông năm 2000, một cuộc   họp của những người cao tuổi làng lụa Vạn Phúc được nghệ nhân Triệu Văn   Mão triệu tập. Cuộc họp ấy xoay quanh việc khôi phục làng lụa truyền   thống như thế nào. “Chiếu Nga Sơn còn, gạch - gốm Bát Tràng sau khi suy   đã lại thịnh, vải tơ Nam Định giờ xuất khẩu khắp châu Âu, châu Mỹ, chẳng   lẽ lụa Hà Đông lại chịu cảnh mất còn. Phải làm gì đây để cứu lấy nghề   của làng mình?”.

Ý kiến của ông Mão cũng là nỗi lo lắng của những người   tham dự cuộc họp ấy về một làng nghề “vang bóng một thời” nay chỉ còn là   dĩ vãng. “Không lo sao được khi cả làng lúc ấy chỉ còn vài ba nhà làm   lụa, các nhà làm lụa và cả HTX sản xuất lụa Vạn Phúc đã biến thành xưởng   dệt thảm... chùi chân!”, nghệ nhân Mão nhớ lại. Là người “nghề” nhất vì   biết dệt lụa từ năm 7 tuổi, lại “con nhà tông” cha truyền con nối nên   được mọi người tín nhiệm giao cho trọng trách khôi phục nghề lụa cổ bằng   mọi giá, trước hết là tìm lại mẫu lụa cổ cho làng.

Một tháng sau cuộc họp ấy, ông Mão chuẩn bị tiền và sức   để tiến hành những chuyến đi khắp nước. Ông đặt mục tiêu: tìm cho ra   những mẫu lụa Vân chính tông của làng, dù còn một mẩu áo, một mảnh khăn   cũng phải đem về cho bằng được. Những mẫu lụa cổ làng còn giữ được, ông   Mão sưu tầm đã hết. Ông chuyển hướng đi xa hơn. Nghe tiếng một bà cụ   trên Vĩnh Phúc còn giữ được một chiếc áo lụa được dệt theo kiểu “chồi   Phùng” (một mẫu mà lụa cổ Hà Đông vẫn dệt), ông Mão tức tốc bắt xe khách   lên xin.

Một lần khác, nghe tin Bảo tàng lịch sử VN tại TP.HCM   có trưng bày long bào của vua Quang Trung được dệt bằng lụa, ông Mão vội   vã nhảy tàu hỏa vào ngay để thuê thợ ảnh chụp lại mấy kiểu đem về. Rồi   thêm nhiều chuyến ngược xuôi vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây nguyên...   Hết tiền, ông nhờ anh em bạn bè giúp đỡ. Hơn hai năm, ông Mão tìm được   đã gần đầy đủ những mẫu lụa cổ của làng: lụa Vân triện thọ, lụa Vân quế   hồng diệp hoa nhỏ, lụa Vân song hạc, lụa Vân tứ quí... Gia tài của ông   đã gần khánh kiệt song ông vẫn tự hào: “Tiền hết, nhưng tôi đã tìm được   kho báu cho làng”.

Giải thưởng lớn nhất

                               

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton khi thăm VN năm 2006   đã xem rất kỹ các sản phẩm lụa của nghệ nhân Triệu Văn Mão trưng bày tại   Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Thấy ông Mão tâm huyết, những người khác trong làng   đang giữ bí quyết nghề lụa như ông Lê Văn Bằng, Nguyễn Xuân Dễ... cũng   góp sức giúp ông Mão thiết kế và thử nghiệm dệt thành công nhiều loại   lụa cổ. Ông mở xưởng, mở cửa hàng, khách ta, khách Tây đến nghìn nghịt.   Nhiều người trong làng được ông truyền dạy nghề, nghề của làng từ đó   được khôi phục, thêm những tiếng thơm cho lụa Hà Đông.

Từ 5-7 nhà làm lụa và có cửa hàng buôn bán lụa, bây giờ   xã Vạn Phúc đã có hơn 100 hộ dân quay lại với nghề xưa và có khoảng 60   cửa hàng lụa lớn. Nhiều thanh niên trẻ đã đi theo nghề làng mà xây được   nhà, mua được ôtô. Sở Du lịch Hà Tây cho biết Vạn Phúc đang trở thành   điểm đến của khoảng 10.000 khách du lịch quốc tế và 100.000 khách du   lịch nội địa đến tham quan, mua sắm tại làng nghề mỗi năm.

Làm nghề lụa từ nhỏ, lại là chân truyền của dòng họ lụa   nổi tiếng Triệu Văn, song ông Mão khẳng định: nghề lụa không quá nhiều   bí quyết như nghề khác. Người làng Vạn Phúc “bén hơi lụa” thì chỉ cần   một năm là thành nghề, nhưng người nơi khác muốn học thì bí quyết duy   nhất là kiên trì và chịu khó. Ông giảng giải: “Lụa Vân mềm mượt hơn lụa   thường nhờ kỹ xảo nhà nghề. Làm lụa Vân thì bản thân người thợ phải có   con mắt tinh đời chọn tơ đúng loại. Cái khó nhất là tất cả các công đoạn   đều phải làm thủ công mà không được dệt bằng máy, đòi hỏi người thợ   phải tinh mắt nhanh tay”.

Vừa tiếc nuối, vừa lo lắng, ông Mão nói: “Làng lụa đang   dần được khôi phục thật đấy, nhưng lớp trẻ chạy theo xu hướng thị   trường làm toàn lụa thường nên thợ giỏi chưa có nhiều”. Tại Lễ hội văn   hóa các dân tộc Việt Nam năm 2005, độc chiêu làm lụa Vân của ông Mão đã   được trao giải Quả cầu vàng và Tinh hoa Việt Nam. Festival Huế năm 2006   cũng đã chọn những bộ trang phục cung đình Huế mà ông Mão phục chế bằng   độc chiêu lụa Vân để trưng bày, giới thiệu với khách quốc tế. Bảo tàng   Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học... cũng trưng bày, sử dụng nhiều sản   phẩm lụa của ông.

Ông đã có rất nhiều giải thưởng, chứng nhận, nhưng với   ông, giải thưởng lớn nhất là những bí quyết dệt lụa cổ của làng đã được   giữ lại, làng nghề đã tạm sống bằng nghề. Khách tấp nập, tiếng cửi dệt   lách cách hằng ngày là phần thưởng lớn nhất mà ông Mão đang tận hưởng,   nhất lại là khi ông “cũng chẳng biết sống được bao lâu nữa, thất thập cổ   lai hi rồi”.

 

Tổng hợp bởi: luavanphuc.com 
 luatotam.com 

 

 
English French German Italian Portuguese Russian Spanish
Tan A TTC JSC

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm nay114
mod_vvisit_counterHôm qua110
mod_vvisit_counterTuần này114
mod_vvisit_counterTuần trước803
mod_vvisit_counterTháng này2681
mod_vvisit_counterTháng trước3988
mod_vvisit_counterTất cả642030

Thăm dò ý kiến

Bạn sẽ chọn mua lụa thế nào?